Trong hành trình hướng đến phát triển bền vững và toàn diện, việc tích hợp các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu của doanh nghiệp được xem là “cánh cửa” cho sự phát triển trong tương lai…
Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, với mức thiệt hại ước tính khoảng 523 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP đến năm 2050. Vì vậy, xây dựng nền kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Nền kinh tế xanh cũng sẽ mở ra những cơ hội mới đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính các doanh nghiệp.
“CUỘC ĐUA” HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong “cuộc đua” hướng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong tương lai, việc tích hợp các nguyên tắc ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) vào chiến lược và hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp đóng vai trò mấu chốt.
Theo khảo sát của công ty tư vấn Bain về Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 của gần 17.000 người tại 11 quốc gia, người tiêu dùng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Indonesia,… quan tâm về môi trường và xã hội nhiều hơn so với các nước phát triển.
Đáng chú ý, Việt Nam đứng đầu danh sách về mong muốn doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi để phát triển bền vững. Trong khi đó, ở các nước như Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, người tiêu dùng kỳ vọng chính phủ giữ vai trò này.
Theo ông Binu Jacob, Tổng giám đốc của Nestlé Việt Nam, doanh nghiệp cần thiết phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu và sản phẩm, bán ra thị trường và thải rác ra môi trường) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhằm tăng vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm).
“Nhằm giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường doanh nghiệp nên tiên phong chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế tác động đến môi trường cũng như đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng”, ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đã bắt đầu đề ra mục tiêu ESG nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện. Đơn cử như Grab, trong năm 2022, “ông lớn” này đã công bố Báo cáo thường niên về ESG. Trong đó, các tính năng đóng góp trung hòa carbon và giảm thiểu dụng cụ ăn uống dùng một lần trên ứng dụng Grab khuyến khích người dùng đưa ra những “lựa chọn xanh” trong các quyết định hàng ngày. Các tính năng này đã góp phần trồng 42.000 cây xanh trong khu vực Đông Nam Á, giảm thải 2.300 tấn khí nhà kính thông qua tín chỉ carbon và giảm sử dụng hơn 774 triệu bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần.
Nestlé cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong với các sáng kiến giúp giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên. Những cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 – 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
TĂNG TỐC ĐỂ NẮM BẮT CƠ HỘI
Trong hành trình hướng đến phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu “tăng tốc” để không bị bỏ lại phía sau. Không chỉ riêng những tỉnh và thành phố lớn, hiện nay tăng trưởng xanh đã được nhiều địa phương trên cả nước thúc đẩy và triển khai.
Trong thời gian qua, sự hợp tác của ngân hàng cùng với các cơ quan, ban ngành trong việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh cũng đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực. Đơn cử như sự hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam với Thường Trực Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre mới đây qua việc phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua ESG”. Đây là một trong những sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về ESG và tài chính bền vững cho các doanh nghiệp địa phương và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng ESG vào trong hoạt động kinh doanh.
Ông Lê Đức Thọ, Bí thư tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện phát triển bền vững đến năm 2030 và đang xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, huy động sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng thực hiện. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được tỉnh lồng ghép trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ, có kết quả.
“Tôi kỳ vọng sau hội thảo này, các tổ chức, cá nhân nhất là doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin về nhận thức tầm quan trọng của ESG. Đồng thời, tiếp cận được các nguồn tài chính bền vững để mở rộng quy mô, thị trường, phát triển mạnh mẽ hơn, đồng hành và đóng góp cho kinh tế – xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững”, ông Thọ nhấn mạnh.
Không chỉ riêng Ngân hàng Standard Chartered, những ngân hàng khác cũng đã bắt đầu triển khai ESG vào kế hoạch và mục tiêu của mình. Theo báo cáo đánh giá của EY Consulting Việt Nam vào tháng 12/2022, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã xây dựng Khung quản trị rủi ro ESG và áp dụng trên phạm vi toàn ngân hàng. Trong đó, từng cấu phần trong khung này được đánh giá là phù hợp với hướng dẫn và thông lệ quốc tế về quản lý rủi ro ESG.
Nguồn: vneconomy.vn
Từ khoá:#ESG #esgconsultant #TuvanESG #Tuvanphattrienbenvung #taichinhxanh #chuyendoixanh #phattrienbenvung #taichinhxanh #traiphieuxanh #khoanvayxanh #biendoikhihau #GRI #TCFD #SDG #baocaophattrienbenvung #cacboncredit